Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Doanh thu rạp nhà nước phía Bắc không bằng quán cà phê chiếu phim

Tình trạng xập xệ, không gian bốc mùi hôi, ghế cũ có thể sập hay máy chiếu cũ kỹ... khiến các rạp phim miền Bắc ngày càng vắng khách, không có doanh thu.

Cục Điện ảnh vừa tổ chức hội thảo "Giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành - phổ biến phim tại rạp của trung tâm (công ty) phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc" tại Hà Nội ngày 31/5.

doanh-thu-rap-nha-nuoc-phia-bac-khong-bang-quan-ca-phe-chieu-phim

Bà Ngô Phương Lan (trái) phát biểu tại Hội thảo ngày 31/5. Ảnh: Trung Qp.

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, dẫn nhập rằng vài năm trở lại đây, hoạt động phát hành và phổ biến phim trong nước phát triển mạnh mẽ. Doanh thu chiếu bóng tăng khoảng 20- 30%. Theo thống kê, số lượt khán giả mua vé xem phim năm 2015 nhỉnh hơn 5% so với năm 2014. Nhiều phim trong đó có cả phim Việt do nhà nước đặt hàng, tư nhân sản xuất như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đạt doanh thu cao trên 80 tỷ và tạo cơn sốt với khán giả. Tuy nhiên, đây chỉ là dấu hiệu khởi sắc ở các thành phố lớn.

Trong khi đó, hoạt động phát hành phim tại rạp của trung tâm (công ty) phát hành và chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là bức tranh mang màu sắc ảm đạm. "Khó khăn lớn nhất của công tác phát hành phổ biến phim ở các tỉnh thành là tình trạng rạp xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, không phù hợp và thiếu nguồn. Có tình trạng báo động rằng rạp ở một số địa phương đã bị thu hồi hoặc có nguy cơ bị thu hồi để sử dụng vào mục đích khác", bà Lan nêu ra.

Đây là thực trạng chung khiến doanh thu tại hơn 30 trung tâm phát hành và chiếu bóng phim ở các địa phương tại miền Bắc đều đi xuống.

Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng ở tỉnh Lạng Sơn đặc biệt thiếu chuyên viên thuyết minh các phim nước ngoài, ở Sơn La không có rạp chiếu, ở Ninh Bình thiếu nguồn phim để chiếu, ở Vĩnh Phúc gần như chỉ chiếu phim khai mạc và phục vụ các đợt phim chính trị.

Ông Bùi Thế Lâm, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hải Phòng, đề xuất trả bớt rạp cho nhà nước để đổi lấy máy chiếu công nghệ cao. Ông Lâm cho hay: "Tuy các rạp nằm ở vị trí đẹp, phòng chiếu đều xuống cấp, dột và không được cải tạo. Hệ thống máy lạnh hỏng, ghế đã cũ và không phù hợp. Phòng chiếu 20 ghế không bao giờ kín rạp". Theo ông Lâm, một số nơi phải đóng cửa vì sợ sập, phòng chiếu hôi hám, chỗ ngồi bẩn thỉu và thiết bị có nguy cơ hỏng bất cứ lúc nào.

buc-tranh-am-dam-he-thong-rap-chieu-phim-nha-nuoc-mien-bac

Rạp Dân Chủ (Hà Nội) đóng cửa từ tháng 11/2015. 

Một lý do khiến hệ thống rạp phim nhà nước đi xuống còn bởi họ không thể cạnh tranh với các rạp tư nhân nên không thể mua được bản quyền chiếu phim ở vòng một - khi các tác phẩm còn gây sốt. Giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Quảng Trị - Hồ Thanh Thoan - bày tỏ thậm chí trung tâm của ông không cạnh tranh nổi với các quán cà phê có máy chiếu HD. 

Tình trạng ảm đạm thời gian qua của các Trung tâm phát hành và Chiếu bóng phim ở các tỉnh địa phương miền Bắc không khác nhiều rạp phim nhà nước ở Hà Nội. Ở thủ đô, chỉ trừ Trung tâm Chiếu phim Quốc Gia, các rạp nhà nước như Đặng Dung, Bạch Mai, Tháng Tám, Kim Đồng, Ngọc Khánh đều làm ăn đi xuống. Một số từng là trung tâm vàng son một thuở của thủ đô đã đóng cửa như trường hợp rạp Dân Chủ cuối năm 2015.

Hầu hết ý kiến từ trung tâm chiếu phim địa phương đề nghị Cục điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm đầu tư trang thiết bị cho các rạp phim, đồng thời các hãng sản xuất và phát hành phim lớn nên tạo điều kiện để rạp địa phương được mua bản quyền phim sớm.

Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị các rạp địa phương nên tích cực và chủ động trong các hoạt động nhằm thay đổi tình trạng xập xệ hiện nay, song song việc được nhà nước xem xét hỗ trợ. Ông Biên đặt ngược câu hỏi cho các rạp rằng liệu có máy chiếu định dạng đủ cho các phim chất lượng cao thì các rạp chiếu có bán được vé không hay vẫn ế ẩm như hiện nay. Ông cho rằng các trung tâm phát hành và chiếu bóng địa phương nên đổi mới tư duy để bắt kịp xu thế thị trường và xã hội hóa.

buc-tranh-am-dam-he-thong-rap-chieu-phim-nha-nuoc-mien-bac-2

Trung Tâm Chiếu phim Quốc Gia tự làm mới mình bằng cách hợp tác với một số đơn vị kinh doanh tư nhân trong rạp.

Trường hợp rạp phim nhà nước hiếm hoi hoạt động thành công là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội). 

Giám đốc Nguyễn Danh Dương chia sẻ về cách trung tâm thích ứng với thị trường phát hành phim. Ông kể hơn 10 năm trước, trung tâm cũng rơi vào tình cảnh xập xệ và đi xuống như nhiều rạp tỉnh hiện nay.

Tuy nhiên, Rạp chiếu phim Quốc gia sau đó chủ động lách luật hợp tác với các đơn vị tư nhân, cho họ kinh doanh bên trong rạp với nhiều điều kiện về hợp đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng và vật chất. Nhờ được nâng cấp, rạp trở nên khang trang, thu hút khách và tăng doanh thu hẳn lên. Khi có nguồn thu do tự hợp tác với các đơn vị tư nhân, rạp đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất.

"Hiện nay, ngay cả nhà vệ sinh của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cũng khang trang và gây ấn tượng với người xem. Khách nữ giới thậm chí có thể dừng lại ở đó để trang điểm", ông Dương nói. Về nguồn nhân lực, ông Dương nhấn mạnh Trung tâm chú trọng sử dụng các nhân lực bán thời gian là sinh viên. Họ vừa trẻ vừa năng động vừa làm mới dịch vụ chiếu phim cho rạp.

>> Xem thêm:

Ký ức về thời vàng son của các rạp chiếu bóng cổ ở Hà Nội

Chụp ảnh gia đình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét