Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

'Snowden' - cái nhìn đồng cảm với kẻ phản bội chính phủ Mỹ

Snowden là câu chuyện màn ảnh mới nhất về chàng điệp viên cùng tên sinh năm 1983, người từng làm cả thế giới sôi sục vì những tiết lộ về chương trình giám sát tuyệt mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đối với người dân, các quan chức nước ngoài trên tờ Guardian.  Thông tin của Snowden lan ra vào tháng 5/2013 khi anh xin nghỉ phép để đi đến Hong Kong.

Sau hơn ba năm, hành động của Snowden vẫn gây tranh cãi. Trong các cuộc thăm dò trên báo Mỹ, tỉ lệ người ủng hộ và chỉ trích hành động của anh thường sát sao. Có người xem Snowden là kẻ phản bội, số khác lại ca ngợi anh là người hùng. Không ít tác phẩm tài liệu và hư cấu được thực hiện. Trong số đó, Citizenfour từng giành giải "Phim tài liệu hay nhất" ở Oscar năm 2015.

Dưới bàn tay của “ông hoàng phim chính luận” Hollywood - Oliver Stone, câu chuyện mới nhất đứng hẳn về phía Snowden khi xây dựng anh thành hình tượng một kẻ ái quốc thẳng thắn, không chấp nhận những sai trái của chính phủ. 

snowden-cai-nhin-dong-cam-voi-ke-phan-boi-chinh-phu-my

Poster phim "Snowden".

Cốt truyện theo sát hành trình nhân vật chính từ một anh lính bị gãy chân, chuyển thành nhân viên tình báo, tới khi quyết định mạo hiểm - tố cáo chính phủ Mỹ. Lúc đầu, anh là chàng thanh niên đầy nhiệt huyết muốn ra trận phục vụ quốc gia. Sau đó, Snowden nhận ra mặt trận tình báo mới là chiến trường thật sự. Cuối cùng, anh trải qua giai đoạn “vỡ mộng” và không chịu nổi sự xâm phạm quyền cá nhân. Phần lớn thời lượng lý giải nguyên nhân dẫn tới hành động phản bội chính phủ của Snowden. 

Nỗi ám ảnh bị theo dõi là chủ đề được lặp lại nhiều lần trong Snowden. Chúng được thể hiện bằng các thủ pháp đa dạng, có khi qua cuộc đối thoại với vị lãnh đạo CIA, khi là số vụ nghe lén chóng mặt, hay đơn giản là cảnh một nhân viên quan sát cô gái cởi quần áo, một mẫu tin nhắn tưởng chừng riêng tư trên mạng xã hội... Tất cả đều có thể dùng để thu thập thông tin về người dân.

snowden-cai-nhin-dong-cam-voi-ke-phan-boi-chinh-phu-my-1

Phim kể về các chặng đời của Snowden từ ngày còn trong quân ngũ tới lúc là điệp viên NSA.

Một phân đoạn thú vị tả cảnh Snowden trò chuyện với sếp qua màn hình. Ông điềm nhiên tiết lộ cuộc sống riêng của bạn gái anh cũng bị theo dõi. Khuôn mặt của vị lãnh đạo được phóng to trên màn hình như ẩn dụ về sự bao trùm của các cơ quan tình báo. Trên thực tế, người Mỹ cũng ví von sự kiểm soát của chính phủ bằng tiếng lóng “Big Brother” (Anh lớn). Ở khoảnh khắc đó, Snowden thấy mình nhỏ bé và hiểu được cảm giác của một “người dân” bị quản lý.

Các nhà báo của tờ Guardian (do Tom Wilkinson và Zachary Quinto thủ vai) giữ vai trò quan trọng ở phim này. Họ xuất hiện từ những cảnh quay đầu tiên và gặp gỡ với cựu đặc vụ ở Hong Kong. Khi Snowden nói vào máy quay, những thước phim bắt đầu quay ngược về quá khứ của anh. Cách dẫn chuyện này khá quen thuộc với dòng phim chính trị, tạo ra sự hài hòa giữa phong cách giả tài liệu và chất kịch tính của điện ảnh. Khán giả vừa nắm được các sự kiện, vừa có cảm giác như mình đang đồng hành cùng Snowden trong những giờ phút hồi hộp trước khi bài báo được công bố.

Trong khi kể cặn kẽ cuộc sống của Snowden ở nước Mỹ, hành trình chạy trốn của Snowden sau vụ rò rỉ thông tin được thuật lại sơ sài. Ngoài đời, câu chuyện này có nhiều chi tiết giật gân và dễ khai thác thành kịch tính. Trên màn ảnh, chúng chỉ kéo dài vài phút. Đạo diễn Stone chủ ý bỏ qua việc này để nhấn mạnh vào nỗi ám ảnh bị theo dõi của nhân vật trước đó.

Nửa cuối phim gây ấn tượng khi có sự xuất hiện của Snowden thật. Chỉ trong vài cảnh ngắn ngủi, người xem vẫn cảm nhận được chân dung của một con người trầm tính, có quan điểm sống rõ ràng.

snowden-cai-nhin-dong-cam-voi-ke-phan-boi-chinh-phu-my-2

Gordon-Levitt điềm tĩnh khi đóng điệp viên.

Hóa thân vào nhân vật chính, tài tử Joseph Gordon-Levitt toát lên tinh thần của một con người tử tế, chín chắn và theo đuổi đến cùng điều mình tin tưởng. Anh tiết chế bớt nguồn năng lượng dồi dào khi đóng The Walk hay 500 Days of Summer mà lôi cuốn bằng sự trầm tĩnh, xen lẫn chút hài hước. Ngôi sao trẻ Shailene Woodley vào vai bạn gái của Snowden cũng có dịp thể hiện sở trường diễn tâm lý. Nhân vật của cô có nhiều cảnh tình cảm với bạn trai, giúp câu chuyện mềm mại và đỡ khô khan. 

Điểm trừ của phim nằm ở thông điệp một chiều. Phim ít có khoảnh khắc Snowden dừng lại để suy ngẫm về quyết định của mình, cũng không có những phản biện từ phe đối lập - những người cổ vũ cho sự kiểm soát trong một thế giới có quá nhiều nguy cơ khủng bố. Câu chuyện chỉ xoay quanh góc nhìn đồng cảm với Snowden, nên các hành vi sai trái của chính phủ Mỹ cứ lớn dần lên đến cao trào. Tính lý tưởng trong suy nghĩ của nhân vật chính được xây dựng một cách hoàn mỹ. 

Snowden (Mật vụ Snowden) ra mắt ở Việt Nam từ 16/9.

Trailer phim "Snowden"

Ân Nguyễn

Chụp ảnh gia đình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét