Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

6 màn diễn thời trang đỉnh cao nhờ 'bắt tay' công nghệ

Nhiều người cho rằng lĩnh vực thời trang đậm chất nghệ thuật và ngành công nghệ khô khan khó có thể sánh đôi. Thực tế, những bộ cánh độc đáo được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến hay show diễn thời trang ứng dụng công nghệ hiện đại đang là xu hướng của làng mốt. Bởi thời trang sẽ đem lại vẻ đẹp tinh tế và sức hút cho các sản phẩm công nghệ. Còn công nghệ tạo nên những đam mê mới, sáng tạo cho thời trang.


Khoảnh khắc kết thúc show diễn Xuân Hè 1999 của Alexander McQueen là một trong những hình ảnh nghệ thuật nhất của lịch sử thời trang, đánh dấu sự kết hợp táo bạo giữa thời trang và công nghệ. Trong màn trình diễn ấy, vedette Shalom Harlow diện đầm quây trắng, đứng trên bàn xoay giữa sàn catwalk. Cô để hai chú robot mặc sức phun sơn tô vẽ lên trang phục.

Alexander McQueen cũng đem "thành tựu" này sang cả bộ sưu tập Givenchy Thu Đông 1999. Giữa không gian đen kịt, dàn người mẫu bước ra với những thiết kế trang phục chằng chịt dây điện, đèn laser chớp tắt và những bo mạch điện tử. Hiệu ứng hình ảnh và cảm xúc từ màn trình diễn khiến khán giả ngỡ ngàng. Giới thời trang đánh giá, với một thương hiệu đậm chất cổ điển như Givenchy, bộ sưu tập này như cuộc chơi cuồng loạn cùng công nghệ, thể hiện nét tài hoa và bứt phá.

Trong khuôn khổ tuần thời trang Xuân Hè 2013 ở New York (Mỹ), Google bắt tay "nữ hoàng váy cuốn" Diane von Furstenberg đưa chiếc kính thông minh Google Glass lên sàn diễn, mở rộng tương tác với khán giả. 

Google Glass là chiếc kính thông minh có khả năng kết nối với smartphone để thực hiện các nhiệm vụ đơn giản. Khi đeo kính này, người mẫu có thể chụp hoặc quay lại những thông tin mà họ nhìn thấy khi đang catwalk, truyền về cho khán giả ở khắp mọi nơi trên thế giới. Diane von Furstenberg cũng dùng Google Glass để ghi lại hình ảnh hậu trường cho show diễn, đồng thời làm một bộ phim ngắn về quá trình sáng tạo của bà mang tên DVF through Glass.

Màn trình diễn "vải tan trong nước" ở show Xuân Hè 2016 không phải là lần kết hợp công nghệ - thời trang đầu tiên của Hussein Chalayan. Nhưng màn diễn này được đánh giá ấn tượng nhất trong lòng người yêu thời trang. 

Hai người mẫu diện áo khoác trắng đứng trên bục giữa sàn diễn. Đến giữa show, vòi sen trên đỉnh đầu liên tục đổ nước xuống và điều kỳ diệu xuất hiện. Không gian như vỡ òa trong sự ngạc nhiên lẫn thích thú của khán giả khi bộ trang phục tan ra và trôi theo dòng nước, làm lộ ra hai bộ váy ngắn tinh xảo đính kết từ pha lê Swarovski.

Được mệnh danh là "phù thủy" mới của làng thời trang, nhà thiết kế người Hà Lan - Iris van Herpen - nổi danh nhờ lối sáng tạo độc đáo khác thường, nhất là khả năng ứng dụng công nghệ in 3D để xử lý chất liệu và tạo khối trang phục. Làng mốt vẫn nhớ mãi bộ sưu tập Xuân Hè 2011 của cô. Khi ấy, những mảnh thủy tinh được tạo 3D trên váy áo như màn nước trong suốt, lơ lửng bị đóng băng giữa không trung.

Người học trò xuất sắc ấy của Alexander McQueen cũng có một màn trình diễn khác tái hiện khoảnh khắc tiêu biểu trước đây của thầy mình. Tại show diễn Xuân Hè 2016, ngôi sao Game of Thrones - Gwendoline Christie - trong vai vedette nằm trên bục giữa sân khấu, để robot xung quanh vẽ nên chiếc áo lưới cho cô. 


Màn trình diễn này kết hợp cùng lúc nhiều công nghệ phổ biến của làng mốt gồm: cắt laser, dệt tay và in 3D. Tất cả đều do robot thực hiện.

Thu Hồng  |  

Chụp ảnh gia đình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét